Lợi ích và tác hại của nước xả vải thông thường

Lợi ích và tác hại của nước xả vải thông thường

Tất cả các chất có mùi thơm đều gây tổn thương nhất định đến hệ hô hấp khi ở nồng độ cao. Mức độ độc hại của chất thơm phụ thuộc vào nồng độ chất thơm khuếch tán trong không khí mà con người hít thở.

Hiện nay, nhiều người tiêu dùng rất băn khoăn khi dùng nước xả vải, bởi không biết ngâm quần áo trong nước xả vải có sạch hết bọt xà phòng, có ảnh hưởng đến sức khỏe không…

Thành phần nước xả vải và công dụng của mỗi hóa chất

Nước xả vải chứa rất nhiều hóa chất, mà mỗi hóa chất lại có những công dụng riêng của nó. Các thành phần có trong một sản phẩm xả vải gồm các chất làm mềm vải sợi, acid béo (như acid stearic), silicon (dạng dầu), ester glycerol, polyethylen glycol, chất thơm, màu, nước (loại không ion). Đôi khi người ta còn dùng thêm các muối vô cơ (dạng điện ly mạnh). Ngày nay, người ta còn bổ sung thêm chất diệt khuẩn để tránh sự tạo mùi hôi cũng như để giữ mùi thơm lưu lại lâu trên quần áo.

Các chất làm mềm vải sợi thường dùng là distearyl dimethyl ammonium chlorur, distearyl dimethyl ammonium methylsulfat, dialkylamido imidazolin methylsulfat, N-[1,2-Bis(acyloxi)propyl]-N,N,N-trimethyl ammonium chlorur (tên thương mại là diesterquat – DEQ) và N,N-Bis-(2-acyloxiethyl)-N-(2-hydroxyethyl)-N-methyl ammonium methylsulfat (tên thương mại là esterquat – EQ).

Trong các chất làm mềm vải sợi trên, dạng distearyl là chất làm mềm kinh điển, không có tính độc hại cho người (hoặc rất ít tùy theo loại da của người tiêu dùng) do nó có nguồn gốc từ các chất béo tự nhiên, tuy nhiên ngày nay người ta ít sử dụng. Các chất làm mềm dạng imidazolin thì lại có khả năng gây kích thích da, làm cho da bị phỏng đỏ và ngứa khó chịu (tất nhiên nếu sử dụng lượng nhiều), do đó dạng imidazolin không thích hợp cho trẻ em và những người có lớp da mẫn cảm.

Ngày nay, người ta thường sử dụng diesterquat và esterquat làm chất làm mềm chính. Những chất này có cấu tạo gần giống polypeptid (kháng khuẩn tự nhiên do lớp da tiết ra qua tuyến chất nhờn và mồ hôi nhằm chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn); do đó các chất này vừa có khả năng làm mềm vải sợi và vừa có tính diệt khuẩn.

Acid béo và silicon chỉ nhằm mục đích làm đặc sản phẩm. Acid béo thì không có tác hại gì trên da, silicon cũng không có tác hại gì.

Ester glycerol và polyethylen glycol là chất nhũ hóa, giúp cho chất thơm tan được vào sản phẩm. Ester glycerol có nguồn gốc từ chất béo tự nhiên nên xem như vô hại, polyethylen glycol cũng vô hại đối với da.

Nguyên nhân của sự xuất hiện sản phẩm nước xả vải là vì vải sợi sẽ bị thô cứng dần qua nhiều lần giặt bằng bột giặt tổng hợp. Hình dưới đây minh họa cho thấy sự thô cứng của vải sợi khi được giặt nhiều lần bằng bột giặt tổng hợp.

HRaIe113.jpg

Chất làm mềm là chất hoạt động bề mặt cationic (mang điện tích dương), còn chất tẩy rửa trong bột giặt là chất hoạt động bề mặt anionic (mang điện tích âm). Trong môi trường nước ngâm xả, hai chất này do mang điện tích trái dấu nên sẽ hút nhau bằng lực hút tĩnh điện. Đó là nguyên nhân vì sao nước xả có khả năng loại trừ được chất tẩy rửa trong bột giặt chỉ bằng một lần ngâm.

Chất thơm trong nước xả vải ảnh hưởng tới hệ hô hấp

Trên đây là những mặt lợi ích của nước xả vải, thế nhưng nó cũng có thành phần gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người, đó chính là chất thơm.

Chất thơm là một hỗn hợp của nhiều hợp chất có mùi (được gọi là công thức thơm). Thành phần các hợp chất có mùi này được chia thành 3 phần:

Phần 1: Là những hợp chất rất dễ bay hơi. Các hợp chất thuộc loại này bốc mùi thơm rất nhanh và lan tỏa xa (có thể cả phòng) nhưng nhanh chóng mất mùi thơm (do các chất thơm bay hết).

Phần 2: Là những hợp chất có khả năng bốc hơi trung bình. Các hợp chất thuộc loại này bốc mùi thơm chậm và lan tỏa trong một khoảng không gian hẹp (nghĩa là ở gần thì mới nhận thấy mùi thơm) và lâu mất mùi thơm hơn (mùi thơm có thể được lưu giữ từ 30 phút đến 1 giờ).

Phần 3: Là những hợp chất không có khả năng bốc hơi hoặc bay hơi rất chậm. Loại hợp chất này thường không có mùi thơm dễ chịu như 2 loại trên (đôi khi mùi của chúng còn có thể là ôi, thúi), khả năng bốc hơi rất kém nên sự lan tỏa trong khoảng không gian cực kỳ hẹp. Hợp chất thuộc loại này hòa tan tốt trong các chất thơm thuộc 2 loại trên, nên làm hạn chế khả năng bay hơi của 2 loại chất thơm trên và do đó lưu giữ chất thơm được lâu hơn (có khả năng trong vài giờ hoặc cả ngày).

Vậy công thức thơm là sự phối hợp của 3 thành phần trên theo một tỷ lệ nhất định nhằm tạo ra một hương thơm dễ chịu, hấp dẫn và lưu giữ mùi thơm được lâu.

Sản phẩm càng thơm, không có nghĩa là chất thơm được cho vào càng nhiều. Mức độ độc hại của chất thơm phụ thuộc vào nồng độ chất thơm khuếch tán trong không khí mà con người hít thở. Nồng độ cao sẽ gây tổn thương đến hệ hô hấp. Người có sức khoẻ tốt thì sẽ không nhận thấy tác hại này, nhưng nếu nồng độ chất thơm trong không khí quá cao thì sẽ gây khó thở, khô cổ họng và ho; với những người có hệ hô hấp yếu, sự tiếp xúc lâu dài (dù ở nồng độ nhỏ) cũng có khả năng gây nên các bệnh về hô hấp mãn tính.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng với những vùng da kín, mỏng và yếu (da trẻ nhỏ, vùng kín cơ thể…) thì việc tiếp xúc trực tiếp với nước xả vải sẽ đem lại nhiều phản ứng phụ như mẩn ngứa, dị ứng...

Nguồn: Thạc sĩ Tân Hoàng – Bộ môn Hóa hữu cơ, Giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận

article